Những ngày này, khi mà nhiều gia đình đã bắt đầu tạm dừng mọi công việc để đi sắm sửa tết thì hàng trăm hộ dân làm nghề gói bánh chưng tại làng bún bánh Vĩnh Hòa (xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) lại đang phải hoạt động hết công suất, thậm chí quên ngủ để kịp hoàn tất những đơn hàng cuối cùng cho khách. Từ đầu làng, những cột khói bay cao, tiếng cười nói giòn giã làm huyên náo cả làng.
|
Các thành viên trong gia đình đều được huy động làm việc luôn tay để kịp hàng tết cho khách. |
Làm bánh chưng quanh năm, nhưng từ đầu tháng Chạp, gia đình bà Trần Thị Loan (trú xóm 9, xã Hợp Thành) gia đình này mới bắt thực sự vào vụ “thu hoạch”. Những hợp đồng mổ lợn được lên lịch, lá dong, gạo, nếp… được mua chất đống kín cả sân nhà. Từ sáng sớm, tất cả các thành viên trong gia đình được huy động mỗi người một việc từ lau lá, ngâm gạo, làm nhân bánh… rồi đến khâu gói và nấu bánh. Cứ thế gần chục thành viên trong gia đình cứ làm cho tới 3, 4g sáng ngày hôm sau.
“Dịp tết gia đình thường nhận đặt hàng của khách gần 10.000 chiếc bánh. Thực ra thì phải 10 ngày cuối tháng Chạp mới là cao điểm của vụ bánh tết. Nhiều năm gia đình phải làm tới tận giao thừa mới hết đơn hàng để nghỉ ăn tết”, bà Loan nói.
|
Cận tết, khuôn viên nhiều gia đình ở làng bánh Vĩnh Hòa vẫn chật kín bánh chưng, nguyên liệu làm bánh |
Thoăn thoắt sắp xếp những mẻ bánh đầu tiên vào nồi để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, chị Nguyễn Thị Hồng Bính (40 tuổi) cho hay những ngày này, những thành viên trong gia đình luôn phải làm việc luôn tay luôn chân không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống nữa. “Như hai hôm nay tôi chỉ kịp tranh thủ chợp mắt được 1, 2 tiếng khi luộc bánh. Rồi vừa tờ mờ sáng lại phải dậy đi giao bánh cho khách”, chị Bính cho hay.
|
Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ lưỡng |
Hơn chục năm theo nghề truyền thống của gia đình, chị Bính cho biết nhiều nơi sử dựng nồi điện chuyên dụng để nấu bánh chưng nhưng hiện phần lớn các gia đình làm bánh ở làng nghề này vẫn chọn đun bánh bằng củi. Đây cũng là một bí quyết của làng nghề này đẻ cho ra chiếc bánh chưng xanh, dẻo mà hạt nếp không bị nát.
|
Các "lò bánh chưng" Vĩnh Hòa vẫn giữ thói quen nấu bánh bằng bếp củi |
Được công nhận là làng nghề vào năm 2008, hiện làng nghề Vĩnh Hòa có 200 hộ làm nghề gói bánh chưng. Công việc này đã tạo công ăn việc làm và mức thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng mỗi lao động. Riêng vụ tết, nhiều hộ gia đình đạt thu nhập trên cả trăm triệu đồng.
|
Những mẻ bánh được đưa lên giàn chờ ráo nước sau khi luộc chín |
Ông Lê Hồng Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết, bánh chưng Vĩnh Hòa nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà được nhiều khách hàng từ khắp Bắc chí Nam ưa chuộng. Những năm gần đây, bánh chưng ở làng nghề này còn được xuất khẩu sang Nhật Bản. Chính quyền địa phương này cũng đang kết nối để đưa bánh chưng sang những thị trường có nhiều người Việt Nam làm việc và sinh sống như Lào, Đài Loan…
|