Biếu quà người thân ngày Tết vẫn là nét đẹp văn hóa truyền thống .Cận kề Tết Nguyên Đán, chúng tôi có cuộc trao đổi với các nhà nghiên cứu văn hóa về lễ tục lì xì, quà biếu ngày Xuân - một nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc ta.
Nhà Sử học Bùi Thiết:
Không nên đồng nghĩa giữa quà Tết truyền thống đúng nghĩa của nó với hành vi hối lộ
Theo phong tục truyền thống, những người đi biếu quà Tết trong năm (Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, Tết Cơm mới...) là để chịu ơn những ai đã có công đối với mình, như ơn sinh thành (con cháu đối với ông bà cha mẹ, con rể đối với cha mẹ vợ...), ơn nuôi dưỡng dạy dỗ, ân nhân (học trò đối với thầy giáo, bệnh nhân đối với thầy thuốc...)..., Người đi biếu và người được biếu quà có quan hệ thân nhân, mang tính đền ơn đáp nghĩa là chính, không bao hàm trong đó các quan hệ kinh tế và quan hệ xã hội rộng lớn như chúng ta tưởng hiện nay.
Thật khó để xác định lượng quà Tết bao gồm những gì trong đó, và quà Tết mỗi vùng một khác, nhưng có thể nói được rằng, quà Tết là một lượng hàng hóa vật dụng có giá trị tượng trưng được sử dụng ngay trong những ngày Tết hoặc có dôi ra cũng không đáng kể đối với gia chủ được nhận quà. Đó không phải là món nợ vật chất mà người đi biếu phải thanh toán cho người được nhận quà. Quà Tết là thứ "vật khinh tình thâm" như người xưa tổng kết! Sự biếu quà này là bình thường và cần được duy trì, như một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Còn ngày nay, cái gọi là quà Tết đã vượt xa khỏi khuôn khổ truyền thống, có bao nhiêu quan hệ xã hội giữa người với người thì có bấy nhiêu đối tượng biếu - nhận quà và bấy nhiêu loại hình quà mỗi dịp Tết đến.
"Đối tượng người đi biếu và người được nhận quà cũng đã khác, chẳng hạn một cơ quan cấp II của một Bộ nọ, Tết đến phải chuẩn bị "quà Tết" cho các lãnh đạo cấp trên và cấp tương đương, mà hai loại đối tượng này không thuộc vào diện truyền thống! Quà mà cơ quan nọ biếu chỉ gọn lại trong một cái phong bì, nội dung "quà Tết" cũng không còn là những thứ truyền thống (như: cau, rượu, hương hoa, thậm chí một con gà trống,...) nữa mà đã trở thành hàng hóa có thể lưu thông.
Không nên đồng nghĩa giữa quà Tết truyền thống đúng nghĩa của nó với hành vi hối lộ, đút lót núp dưới danh nghĩa quà tặng trong những ngày lễ Tết. Tất nhiên, việc cấm đoán "quà Tết" quả vô cùng khó khăn, vì chúng ta chưa có pháp luật tương xứng và chưa có chế tài xử lý nghiêm ngặt sự biếu xén vô tội vạ này, thậm chí ngay cả sự quy định giá trị sử dụng của quà biếu là điều không cần thiết, bởi kẻ đưa quà và kẻ nhận quà sẽ có cách biến báo để có quà hợp với quy định.
Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu:
Đã là tiền, là phong bì thì không thể gọi là quà
Biếu quà Tết là truyền thống tốt đẹp để tỏ cái tình, sự công bằng xã hội, tri ân, chia sẻ cho nhau những thứ "cây nhà lá vườn" gọi là "của ít lòng nhiều". Đấy có thể là quả cau, lá trầu, hộp trà thơm, ít trái cây hay cùng lắm là chai rượu tự cất...
Quà ở đây chỉ mang tính biểu trưng không bao hàm ý nghĩa tiền bạc. Vì thế chuyện cổ mới kể, một ông quan nọ nhận gói trà biếu, khi mở ra thấy mấy nén bạc bèn đem trả lại người biếu.
Tôi mừng khi Chính phủ ra chỉ thị cấm biếu quà hối lộ, bởi lãnh đạo đã nhìn thấy vấn đề tham nhũng, hối lộ như căn bệnh nhức nhối trong xã hội ta. Nhưng tôi cũng băn khoăn: Chỉ có một số cán bộ thoái hóa mà ra chỉ thị như thế liệu đó có phải là vơ đũa cả nắm không?! Như vậy, vô hình trung chúng ta đã "đụng" đến một truyền thống tốt đẹp - những gì mà ta thường cho là đậm đà bản sắc dân tộc. Theo tôi đã là tiền, là phong bì thì không thể gọi là quà được.
Nhà biên khảo Huỳnh Ngọc Trảng:
Quà biếu quy thành pháp luật thì phải có luật quà biếu
Trong Cổ học tinh hoa của Dương Yến Ngọc kể lại rằng, một người hối lộ quà cho quan và nói: "Quan cứ nhận đi, chuyện này chỉ có quan và tôi biết thôi". Quan trả lời: "Còn có trời đất biết nữa", rồi không nhận. (Trời đất là lương tâm của anh đấy). Nghe con thạch sùng tắc lưỡi, quan nói thêm: "Có con thạch sùng biết nữa".
Qua đây có thể thấy quà biếu và hành vi biếu theo truyền thống chủ yếu dựa vào hệ chuẩn đạo đức, dựa vào quan hệ thiện ác, được hình thành thông qua giáo dục, nhận thức, không có tính cưỡng chế. Giờ nếu ta thể chế hóa đạo đức thì cần phải thấy rằng, pháp luật lại dựa vào hệ chuẩn đúng sai, do đó có tính cưỡng chế, có phạt.
Quà biếu quy thành pháp luật thì phải có luật quà biếu, trong đó xác định thế nào là quà biếu, người nhận người cho như thế nào thì gọi là quà biếu, mà như thế nào thì thành hối lộ, rồi cỡ quà nào so với địa vị xã hội, thu nhập bình quân của từng người... Đã thể chế hóa thì phải cực kỳ chi tiết tỉ mỉ, rồi phải có bộ máy thi hành luật được đào tạo đầy đủ mới có tính khả thi.
Với tôi, quà biếu từ trong lễ giáo mà ra. Phải khuyến khích giao lưu tình cảm từ động cơ tốt đẹp có từ bao đời nay của cha ông ta. Chứ nếu mang tiền, của đi đút lót thì phải gọi đích danh là hối lộ.
Theo Thể thao và Văn hóa
Quà biếu quy thành pháp luật thì phải có luật quà biếu, trong đó xác định thế nào là quà biếu, người nhận người cho như thế nào thì gọi là quà biếu, mà như thế nào thì thành hối lộ |
Quà biếu quy thành pháp luật thì phải có luật quà biếu, trong đó xác định thế nào là quà biếu, người nhận người cho như thế nào thì gọi là quà biếu, mà như thế nào thì thành hối lộ |
Quà biếu quy thành pháp luật thì phải có luật quà biếu, trong đó xác định thế nào là quà biếu, người nhận người cho như thế nào thì gọi là quà biếu, mà như thế nào thì thành hối lộ |
Quà biếu quy thành pháp luật thì phải có luật quà biếu, trong đó xác định thế nào là quà biếu, người nhận người cho như thế nào thì gọi là quà biếu, mà như thế nào thì thành hối lộ |
|